Make in Vietnam

Một sản phẩm điện tử có những phần nào có thể có xuất xứ Việt Nam?

Các sản phẩm thông dụng từ tivi đến cái máy tính, điện thoại, hay các sản phẩm điện tử phục vụ công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,… có những phần nào có thể có xuất xứ Việt Nam?

Mổ xẻ một sản phẩm điện tử bất kì, sẽ có các phần chính sau:

(1) Vỏ, hộp, hướng dẫn sử dụng 
(2) Mạch điện tử 
(3) Các thành phần cơ khí 
(4) Lắp ráp, đóng gói hoàn chỉnh

Thử nói về các thành phần này:

(1) Vỏ, hộp: có thể sản xuất ở Việt Nam, các nhà máy khuôn mẫu, ép nhựa ở Việt Nam có khả năng thiết kế và ép sản phẩm theo như yêu cầu. Tuy nhiên, giá cả đầu tư và giá đơn vị là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định có làm ở Việt Nam hay không. Nguyên liệu để ép nhựa chất lượng cao vẫn từ nguồn chính vẫn từ nước ngoài. Như vậy, phần có xuất xứ từ VN ở phần này có thể là thiết kế, làm khuôn mẫu, chi phí gia công ép sản phẩm.

(2) Bảng mạch điện tử: bao gồm linh kiện điện tử, bảng mạch, lắp ráp. Như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam phải nhập hầu hết linh kiện từ nước ngoài, có khi nhập cả module, bảng mạch để chi phí cạnh tranh, và chỉ có khâu lắp ráp có thể tiến hành ở Việt Nam. Chi phí cho phần lắp ráp hầu hết là rất thấp so với các chi phí còn lại. Tùy phân khúc sản phẩm hướng đến, nhà sản xuất có thể lựa chọn linh kiện chất lượng cao hay chất lượng “vừa đủ” với đối tượng khách hàng hướng đến.

(3) Các thành phần cơ khí: các thành phần không đòi hỏi quá tinh xảo có thể làm ở Việt Nam, nhưng nếu đòi hỏi tiêu chuẩn cao, hoặc giá thành thật thấp, đều phải nhập từ nước ngoài.

(4) Lắp ráp, đóng gói: có thể làm ở VN

Như vậy, phần xác của một sản phẩm điện tử, nếu tính về giá trị, phần có thể “Xuất xứ Việt Nam” chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.

Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị, phần “hồn” của sản phẩm cũng đem đến nhiều giá trị. Để sản phẩm hoạt động được, cần có các kĩ sư thiết kế sản phẩm: mạch điện, chương trình, khuôn mẫu, kiểu dáng công nghiệp,… phối hợp để tạo thành sản phẩm. Cấp cao hơn, sẽ cần các kĩ sư thiết kế chip, các nhà sáng chế… để sáng tạo ra các dòng sản phẩm mới.

Theo hiểu biết của tác giả, ở Việt Nam, hầu hết chỉ có thể tham gia đến lớp thiết kế sản phẩm ứng dụng.

Như vậy, bằng việc đầu tư R&D để thiết kế sản phẩm phần cứng và làm chủ công nghệ (hoặc mua các bản quyền liên quan đến việc thiết kế rồi làm chủ công nghệ), các công ty có thể tạo ra giá trị có “Xuất xứ Việt Nam” đáng kể trong giá sản phẩm đến tay người dùng.

Có lẽ đó là con đường duy nhất để “Make in Vietnam” ở hoàn cảnh hiện tại.