Ai thực sự kiếm tiền từ hệ sinh thái IoT

Internet of Things – IoTs được nói đến liên tục trong thời gian gần đây, và thật sự đang tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống, sản xuất, bán lẻ,…

Nhìn một cách khái quát về chuỗi giá trị của IoT đem lại, ai thực sự kiếm tiền trong IoT?

(1) Nhà sản xuất chip/module/các linh kiện bán dẫn: Mỗi thiết bị IoT sẽ có ít nhất một hoặc vài cảm biến, đơn vị xử lý trung tâm… tất cả những thứ này do nhà sản xuất chip tạo thành. Bao nhiêu thiết bị là bấy nhiêu đơn vị cảm biến/xử lý trung tâm….

Số lượng lớn hoặc rất lớn, nhưng phân chia cho nhiều nhà cung cấp (ví dụ Texas Instrument, NXP, Intel, Qualcomn…) và với margin cho mỗi đơn vị không quá lớn.

(2) Thiết bị phần cứng: thiết bị IoT, tổng hợp của các thiết bị bán dẫn được nói ở trên và được thiết kế theo một mục đích cụ thể. Thống kê giá thiết bị thường chiếm khoảng 30% giá trị giải pháp và giá thành phần cứng ngày càng ép xuống thấp nhất có thể. Như vậy, phần tiền lời trên mỗi sản phẩm càng ngày càng không đáng kể, giống trường hợp (1)

(3) Kết nối/truyền thông: Các thiết bị IoTs thường cần thu thập dữ liệu và truyền về server hoặc nói chuyện qua lại nhau qua các chuẩn truyền thông như Zigbee, bluetooth low energy, wifi, GPRS, 3G/4G,… Chi phí sẽ nằm trong khoảng trên dưới US$1 cho mỗi thiết bị kết nối mỗi tháng.

(4) Phát triển ứng dụng và nền tảng cung cấp dịch vụ: Nền tảng là cốt lõi để tất cả các thiết bị và phần mềm được phát triển, từ phát triển ứng dụng đến quản lý kết nối giao diện người dùng và phần mềm trung gian để tích hợp. Các nền tảng cho phép phát triển và tích hợp giải pháp IoTs. Một cách hợp lý, có thể suy luận rằng các nhà cung cấp nền tảng là người sẽ thu nhiều tiền nhất. Tuy nhiên, họ bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ khác và các nền tảng miễn phí.

(5) Lưu trữ dữ liệu: Năm 2015, có khoảng 5 tỷ thiết bị kết nối, đến năm 2020, dự đoán có khoảng 23 tỷ thiết bị kết nối, tăng 460% trong vòng 5 năm, sẽ làm tăng hàng triệu petabytes dung lượng lưu trữ. Các công ty làm dịch vụ lưu trữ dữ liệu sẽ được hưởng lợi nhiều từ IoTs.

(6) Cloud computing: Microsoft Azure và Amazon Web Service đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ phát triển các ứng dụng trên cloud platform của họ trong hơn 10 năm nay. Các doanh nghiệp hầu như không có lựa chọn khác mà phải làm việc với Microsoft, AWS, … cho các hệ thống quản trị phần mềm của họ.

(7) Phân tích dữ liệu: đây là phần hấp dẫn nhất của hệ sinh thái, thu thập, quản lý, phân tích, dự đoán là những phần quan trọng mà IoTs có thể đem lại. Thường các khách hàng không quan tâm nhiều đến các cảm biến sử dụng, họ quan tâm đến dữ liệu có thể có và sử dụng dữ liệu đó để làm gì, cải thiện được gì cho môi trường sống, cho doanh nghiệp của họ. Bởi vậy, phân tích dữ liệu là chìa khóa để quyết định dự án IoTs thành công hay không.

(8) Các thiết bị và bảo mật mạng: là một trong những lớp để đảm bảo triển khai IoTs thành công, giống như việc phân tích dữ liệu, vấn đề bảo mật phải được xét đến đầu tiên khi triển khai hệ thống IoTs

Có nhiều cơ hội khác nhau để tạo doanh thu và lợi nhuận từ hệ sinh thái IoTs, với thị trường ước tính hơn 1 nghìn tỷ USD trong vài năm tới, IoTs sẽ hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu và hơn 7 tỷ người dân trên hành tinh này.

Bạn muốn tham gia vào hệ sinh thái của hệ thống định vị thời gian thực do Nhatrang Hitech phát triển. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi.

Bài viết được tổng hợp và dịch từ Show Me The Money – Who Really Makes Money In IoT?